Một đôi giày thể thao phù hợp với bàn chân và môn thể thao bạn đang tập luyện không những bảo vệ đôi chân, tránh được những chấn thương đáng tiếc mà còn là công cụ góp phần tạo nên sự thành công trong môn thể thao mà bạn lựa chọn.
Tuy vậy, phần đông chúng ta khi chọn giày thể thao vẫn thường chú ý nhiều đến kiểu dáng, màu sắc mà ít biết đến các tiêu chuẩn cần thiết cho từng môn cụ thể. Cùng tìm hiểu và lựa chọn cho mình một đôi giày thể thao phù hợp nhé.
Chân bạn thuộc loại nào?
Đây là điều bạn cần lưu ý trước tiên khi chọn giày, biết được chân của mình thuộc loại nào giúp chọn chính xác kiểu giày phù hợp và bảo vệ được bàn chân khỏi tổn thương khi luyện tập. Để biết chân mình thuộc loại nào bạn chỉ cần nhúng bàn chân vào nước sau đó giẫm lên nền xi măng hoặc bất kỳ một một mặt phẳng nào có thể nhìn thấy rõ dấu chân.
– Nếu dấu bàn chân của bạn lõm sâu, tương tự hình trăng lưỡi liềm thì chân bạn thuộc loại chân mỏng, có phần to ngang. Những người sở hữu đôi bàn chân này, nên chọn đôi giày tương đối thoải mái ở phần mũi và tạo sự thoải mái cho các ngón chân. Ngoài ra, cần một miếng lót phụ cho phần lõm ở lòng bàn chân.
– Nếu dấu bàn chân đầy đặn và phần lõm hầu như không có, thì có thể kết luận chân bạn thuộc loại chân đầy đặn và phẳng. Đối với đôi chân này, bạn cần một đôi giày chịu lực tốt được may và dán chắc chắn ở phần hai bên hông và được đệm ở phần gót.
– Nếu dấu chân của bạn là sự kết hợp của hai dấu chân trên gộp lại tức là bàn chân của bạn thuộc loại bình thường. Những người nằm trong nhóm chân này thường rất dễ dàng trong việc chọn giày, họ có thể đi được tất cả các loại giày.
Giày chạy bộ
Tiêu chuẩn cần chú ý đối với giày chạy bộ là nhẹ, đế mềm và chịu được ma sát lớn. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn này, nên chọn loại giày có cấu tạo của đế ngoài bằng cao su chống trượt, phần gót có túi khí chống sốc và đệm bọt khí để giúp hấp thụ lực khi chạy. Phần đế giày tiếp xúc với mặt đất nên có các rãnh lớn để tăng khả năng điều hướng và ma sát tốt. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến độ bám gót của giày để tránh làm tổn thương gót chân cũng như cản trở quá trình chạy.
Giày đi bộ cũng tương tự như giày chạy bộ, tuy nhiên, nếu thường xuyên đi bộ đường dài thì nên chọn loại giày ngoài phần gót có đệm bọt khí chống sốc thì cần chú ý phần thân giày, đặc biệt chỗ lòng bàn chân nên có lớp đệm để giúp giảm bớt lực xuống gót chân và nâng đỡ phần xương bàn chân. Ngoài ra, nên chọn loại đế dày và có phần đế trước cứng để hỗ trợ sự chuyển đổi trọng lượng từ gót chân đến các ngón chân trong quá trình đi bộ.
Các môn tập trong nhà như thể dục nhịp điệu, tập aerobic, nhảy hiện đại… giày tập chỉ cần chú ý đảm bảo yếu tố dáng chuẩn, tức là tâm của mũi giày và gót giày phải thẳng với nhau; mềm mại; hấp thu chấn động và hỗ trợ bàn chân chuyển động linh hoạt. Giày tập trong nhà nên chọn loại có trọng lượng nhẹ để giảm sức nặng cho đôi chân khi di chuyển. Đối với các môn tập trong nhà, các chuyên gia khuyến cáo rằng, tốt nhất bạn nên tập luyện trên một tấm thảm mềm.
Giày tennis là một trong những loại giày đòi hỏi khá nhiều tiêu chuẩn, giày chơi tennis có trọng lượng nặng hơn giày chạy bộ, có thiết kế dây buộc để đảm bảo độ chắc chắn cho chân và không dễ bị tuột khi chuyển động. Ngoài ra, giày chơi tennis cũng cần chọn loại có đế làm bằng cao su và có nhiều rãnh nhỏ gợn sóng để hỗ trợ việc di chuyển theo nhiều hướng. Với tennis hay các môn thể thao dùng vợt, trên mặt sân mềm như sân đất nện, nên chọn loại giày có đế mềm để tăng độ bám còn trên mặt sân cứng bạn có thể chọn loại đế cứng hơn để tăng sức chịu đựng của đôi giày.
Giày leo núi
Giày leo núi được đầu tư khá công phu và bạn có thể mua chúng ở những cửa hàng bán giày leo núi chuyên biệt, những tiêu chuẩn cơ bản cho giày leo núi là ở đế của mũi giày được thiết kế với đinh găm để hỗ trợ chân bám chắc vào bề mặt tiếp xúc ở những nơi có địa hình hiểm trở, giày có thể có những cấu tạo vòng nhựa đặc biệt ở phần mắt cá để bảo vệ chân và bên trong được làm bằng chất liệu giữ ấm và chống thấm cực tốt.