Hướng đi nào cho ngành da giày? - Vật tư da giày Vân Hà

Hiện các DN da giày Việt Nam (VN) chủ yếu vẫn là gia công, làm thuê cho nước ngoài, chứ chưa có những thương hiệu nổi tiếng nào, ngoài bitas. Mà đã là gia công thì lợi nhuận rất thấp và bị phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác.
Thêm một vấn đề khó khăn đối với các DN ngành da giày chính là vấn đề nguyên liệu. Hiện 80% nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài. Từ đó dẫn tới nhiều rủi ro không lường hết được. Một ví dụ từ Công ty giày Minh Diệu, trong tuần vừa rồi, phía nhà cung cấp thông báo do tình hình cung cầu và sự cố nên giá nguyên liệu tăng đột xuất 35- 40% so với tháng 2/2017 và thậm chí còn không đủ nguyên liệu để cung cấp theo giá mới. Cũng tương tự như thế, với sản phẩm mút xốp PU, thành phần nguyên liệu chính để cấu thành nên sản phầm là TTE đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Muốn ngành da giày phát triển cần phải có sự phát triển đồng bộ từ công nghiệp phụ trợ.
Thực tế hiện nay, các DN FDI sản xuất, xuất khẩu giày dép hàng tỷ USD nhưng tất cả nguyên liệu của họ đều được sản xuất khép kín hoặc có kênh cung cấp riêng. Ở lĩnh vực này, ngay từ đầu, VN chưa có những chính sách phát triển phù hợp. Đối với các nước, người ta đã có quy định rõ ràng: Thời gian đầu, DN FDI phải tự lo đầu tư tất cả mọi thứ, được hưởng những chính sách ưu đãi nhưng trong từng giai đoạn DN phải nội địa hóa bao nhiêu %, sử dụng nguyên liệu trong nước theo một tỷ lệ nhất định, sử dụng lao động địa phương… Tuy nhiên, tại VN, đang thiếu những quy định ràng buộc đó nên hàng chục năm qua, các DN FDI lớn ngành da dày cứ thế tự biên tự diễn, chỉ duy nhất sử dụng lao động của VN. Khi nhu cầu ít thì các DN nội địa muốn làm công nghệ phụ trợ cũng không có thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, muốn phát triển được công nghiệp phụ trợ thì bản thân ngành công nghiệp dày dép cũng phải phát triển. Đây là bài toán hóc búa giống như câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước. Thông thường, chúng ta phải đi từ những cái có sẵn, tức là từ những DN FDI, họ có sẵn thị trường, công nghệ, kinh nghiệm… Và cũng cần phải có lộ trình để chuyển giao, thu hút giúp nội địa phát triển. Cũng giống như ngành công nghiệp xe hơi, tới nay chúng ta hoàn toàn “trắng tay” do không có những chính sách bắt buộc, nên các DN Việt chủ yếu đi lắp ráp.

Muốn kích thích tất cả điều đó sẽ phải có môi trường kinh tế lành mạnh và nhu cầu phát triển phù hợp. Tất cả những chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư của nước ngoài đối với những sản phẩm số lượng lớn và quan trọng thì Nhà nước cần phải xem xét lại về nghĩa vụ, trách nhiệm của những nhà đầu tư đó đối với thị trường nội địa. Nếu Chính phủ không làm quyết liệt, không có định hướng rõ ràng thì rõ ràng, ngành da giày nói riêng, nền kinh tế khó có thể phát huy được nội lực..

(Theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam)

Tags: , , , , , ,

Bình luận