NGUYÊN PHỤ LIỆU NGÀNH GIẦY VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CẦN HÓA GIẢI - Vật tư da giày Vân Hà

Đứng trong Top 5 trên thế giới về sản xuất và đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu giầy dép, túi xách vào thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Tuy nhiên, ngành da giày VN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là về nguyên phụ liệu. DĐDN có cuộc phỏng vấn bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách VN (LEFASO) xung quanh vấn đề này.

Nguyên phụ liệu ngành giầy và những thách thức cần hóa giải

Theo bà Xuân, trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn ngành đã đạt kim ngạch xuất khẩu 10,2 tỷ USD, tăng 18 % so với cùng kỳ 2013. Ngành đang đặt mục tiêu phấn đấu cả năm 2014 xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu giày dép đạt 9,5 tỷ USD, tăng 13% và xuất khẩu túi xách đạt 2,5 tỷ USD, tăng 31%. Đà tăng trưởng này khá ổn định, bởi năm 2013 ngành da giày, túi xách cũng đã đạt kim ngạch xuất khẩu 10,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giầy dép đạt 8,4 tỷ USD và xuất khẩu cặp – túi – ví đạt 1,9 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2012 và tăng 35% so với 2011.

– Nhìn thẳng vào thực tiễn có thể thấy ngành da giày đang đứng trước nhiều cơ hội từ hội nhập, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, thưa bà?

Ngành da giày VN đang đứng trước nhiều cơ hội lớn đến từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã và đang được Chính phủ Việt Nam tích cực đàm phán, nổi bật trong số đó là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với Liên minh châu Âu (EVFTA), với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, với các Hiệp định của Khối ASEAN sẽ có hiệu lực trong 2015. Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng đi liền với những cơ hội là không ít thách thức. Song song với thách thức cạnh tranh đến từ hội nhập, ngành da giày và các DN còn phải đối mặt với những thách thức nội tại như vấn đề nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực, công tác phát triển sản phẩm, quản trị DN…

– Bà có thể phân tích rõ hơn về vấn đề nguyên phụ liệu đối với Da giày VN?

Đây quả thực là thách thức lớn nhất của ngành Da giày VN hiện nay. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 68 – 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép. Tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của doanh nghiệp VN hiện nay chỉ đạt 40 – 45%. Các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày hầu hết phải nhập khẩu. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 10,3 tỷ thì chi phí nguyên phụ liệu chiếm khoảng 70%, tương đương 7 tỷ USD. Trong đó, ngành phải nhập khẩu 4,2 tỷ USD (chiếm 60%) từ các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc… và sản xuất trong nước chỉ đạt 2,8 tỷ USD (chiếm 40%).

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành da giầy, túi xách gồm khoảng 129 DN, trong đó bao gồm cả các DN thuộc da. Ngoài ra, các DN CNHT ngành dệt may (sản xuất vải, nhãn mác, khóa kéo, khuy, băng chun…), hóa chất và ngành cơ khí cũng tham gia cung cấp một số sản phẩm nguyên phụ liệu cho ngành da giày. Nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của CNHT ngành da giày có tốc độ tăng trưởng bình quân 16,5% trong giai đoạn 2006 – 2011 và tỷ trọng giữa GTSXCN của CNHT da giầy trên GTSXCN của toàn ngành da giày năm 2011 chỉ đạt 20,3%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với CNHT của các ngành công nghiệp khác như dệt may, điện tử, cơ khí…

Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ trợ giúp các DN thiết lập vùng nguyên phụ liệu thông qua các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, da thuộc, máy móc thiết bị dụng cụ phục vụ sản xuất xuất khẩu, tạo cơ sở hạ tầng cho ngành da giày túi xách phát triển bền vững. Chính phủ cần định vị khu công nghiệp thuộc da để tạo chuỗi cung khép kín cho ngành, qua đó vừa quản lý môi trường tốt, vừa thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập siêu. Bộ Công Thương cần lập đề án đầu tư xây dựng các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu và sản phẩm CNHT, hình thành các mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ với các DN, tập đoàn lớn để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa chỉ đáp ứng được chất lượng nhưng chưa đáp ứng được về số lượng, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN sản xuất da giầy, túi xách xuất khẩu.

– Được biết, LEFASO sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị “Xúc tiến Xuất khẩu Da giày”. Xin bà cho biết mục tiêu lớn nhất của Hội nghị là gì, thưa bà?

Được sự hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia thông qua Cục Xúc Tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp Hội Da giày-Túi Xách Việt nam (Lefaso) đã mời Hiệp Hội Bán buôn và bán lẻ Giày Dép Hoa kỳ (FDRA) cùng tổ chức Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu Da giày với chủ đề nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày VN vào ngày 10/11/2014 tại TP HCM. Hội nghị sẽ hướng đến thảo luận những khó khăn thuận lợi của ngành da giày VN và một số giải pháp dưới cái nhìn của các tổ chức, các thương hiệu quốc tế; cũng như bàn về các giải pháp nội tại, đặc biệt trong vấn đề nguyên phụ liệu và nguồn nhân lực. Thông qua hội nghị, các DN da giày VN sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về nội tại ngành da giày VN, từng bước điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng hợp tác, giao thương quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn nữa các yêu cầu của các nhà nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của VN.

Tham dự Hội nghị có các nhà nhập khẩu đến từ Mỹ – họ là các thành viên của Hiệp hội FDRA, Ban lãnh đạo của FDRA, đại diện của Bộ Công Thương, Phòng TMCN Hoa Kỳ, Phòng TMCN Việt Nam, các thương hiệu giày lớn trên thế giới như Nike, Adidas, WWW… và lãnh đạo cấp cao của trên 200 DN sản xuất xuất khẩu giày, nguyên phụ liệu tại VN.

Qua Hội nghị này, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các nhà điều hành vĩ mô nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành da giày VN trong thời kỳ mới.

– Xin cảm ơn bà.

Tags: , , ,

Bình luận