Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm nguyên phụ liệu da giày là mục tiêu và là các yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới. Hội nghị “Xúc tiến Xuất khẩu Da giầy” sẽ hướng đến thảo luận những tồn tại và giải pháp cho vấn đề này.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành da giầy túi xách gồm khoảng 129 doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc da. Chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT ngành da giày có tốc độ tăng trưởng bình quân 16,5% trong giai đoạn 2006-2011 và tỷ trọng giữa giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT da giầy trên giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành da giầy năm 2011 chỉ đạt 20,3%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với CNHT của các ngành công nghiệp khác (dệt may, điện tử, cơ khí…) và chưa xứng với tiềm năng phát triển các ngành CNHT Việt Nam.
Bên cạnh đó, thống kê của Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng cho thấy, giá trị gia tăng của các sản phẩm da giày, túi xách Việt Nam còn thấp. Trong tổng kim ngạch năm 2013 đạt 10,3 tỷ thì chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 70% tương đương 7 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu 4,2 tỷ USD chiếm 60%; sản xuất trong nước 2,8 tỷ chiếm 40%.
Các thị trường nhập khẩu chính của nguyên phụ liệu da giày Việt Nam là: Da (từ Hàn quốc 18%; Đài Loan 14%; Thai Lan 11%; Trung quốc 9% và các nước khác); Nguyên phụ liệu khác: từ Trung quốc (60%); Đài loan (20%); Hàn quốc (10%); các nước khác (10%); Máy móc thiết bị: từ Đài loan (49%); Trung quốc (36%); Hàn quốc 9%; Nước khác 6%…
Ngoài ra, hiện nay ngành da giày Việt Nam chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu (NPL) do nước ngoài chỉ định, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. Một số loại nguyên phụ liệu chưa có hoặc có rất ít cơ sở sản xuất: giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, cactoong (texon làm đế trong), vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện (bằng kim loại, chất dẻo), keo dán và hóa chất. Các loại này hiện nay cung cấp dưới 20%.
Hơn nữa, theo Lefaso, nếu sản lượng sản xuất nguyên phụ liệu không được đầu tư mở rộng và giữ nguyên như năm 2013, thì các năm tiếp theo sẽ tăng lượng nhập khẩu: Da thuộc nhập khẩu 75% vào năm 2015 và 87% vào năm 2025; Giả da nhập khẩu 96% vào năm 2015 và 99% vào năm 2025; các loại vải dệt và vải không dệt cũng phải nhập khẩu là 92% và 94% vào năm 2025.
Giảm bớt gánh nặng phụ thuộc
Hiện nay, ngành CNHT da giầy, túi xách được áp dụng các chính sách ưu đãi như đối với phát triển các CNHT khác, trong đó có những ưu đãi về khuyến khích đầu tư, các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên để giảm gánh nặng phụ thuộc và chủ động được nguồn nguyên liệu thì cần thêm những chính sách hỗ trợ đặc thù khác.
Theo đề xuất, giai đoạn 2015- 2016, nhà nước xây dựng 02 khu công nghiệp (KCN) sản xuất da thuộc tập trung bằng nguồn vốn ODA hoặc vốn đầu tư phát triển, gồm 01 KCN ở phía nam và 01 KCN ở phía bắc (hoặc kết hợp với khu công nghiệp dệt nhuộm của ngành dệt may), trong đó có hệ thống xử lý chất thải chuyên ngành chung hiện đại (gồm cả chất thải rắn và lỏng) và thu phí các doanh nghiệp theo yêu cầu cần xử lý chất thải. Tuy nhiên đây là mục tiêu khó thực hiện trong thời gian 01 năm, vì vậy trước mắt tập trung nguồn lực xây dựng ngay một khu công nghiệp thuộc da tập trung tại miền nam, cụ thể là tại một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô 3 – 5 xưởng thuộc da, mỗi xưởng có công suất 25-30 triệu sqft/năm với kinh phí khoảng 2000 tỷ đồng.
Đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị xuất khẩu của ngành Da Giầy và đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên phụ liệu, Hiệp Hội Da Giầy Túi xách VN đã xây dựng và đề xuất Đề án : “Tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu ngành giầy và mời các nhà nhập khẩu vào Việt Nam”. Đây là cơ hội để giới thiệu ngành công nghiệp Da – Giầy – Túi xách Việt Nam và tiềm năng xuất khẩu, chính sách mới trong thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, về lâu dài, Lefaso cho rằng cần xây dựng và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, các giải pháp thu hút đầu tư FDI của các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất da giầy xuất khẩu và kết nối các doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh để tham gia vào chuỗi cung ứng da thuộc thành phẩm và nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, cần hỗ trợ vốn và tư vấn về thiết bị, công nghệ, để các doanh nghiệp CNHT trong nước có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp FDI tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Mục tiêu đặt ra với ngành da giày Việt Nam là năm 2014 xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD, tăng 16,5% (giày dép 9,5 tỷ USD tăng 13% và túi xách đạt 2,5 tỷ USD, tăng 31%) so với năm 2013. Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cũng cần tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự di (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Đây được coi là cú huých và là cơ hội “vàng” cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Được sự hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia thông qua Cục Xúc Tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp Hội Da giày-Túi Xách Việt nam (Lefaso) đã mời Hiệp Hội Bán lẻ Giày Hoa kỳ (FDRA) tổ chức Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu Da giày với chủ đề nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày Việt Nam vào ngày 10/11/2014 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị sẽ hướng đến thảo luận những khó khăn thuận lợi của ngành da giày Việt Nam và một số giải pháp dưới cái nhìn của các tổ chức, các thương hiệu quốc tế; cũng như bàn về các giải pháp nội tại, đặc biệt trong vấn đề nguyên phụ liệu và nguồn nhân lực.
Đây được coi là một sự kiện lớn của ngành, qua đó, các DN da giày Việt Nam sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về nội tại ngành da giày Việt Nam, từng bước điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng hợp tác, giao thương quốc tế. Thông qua hội nghị, Lefaso cũng mong muốn có sự góp phần tích cực từ các nhà điều hành vĩ mô nhằm tạo điều kiện nhiều hơn nữa thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành Da giày Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sự kiện thu hút sự tham gia của các đại diện Bộ Công Thương, Phòng TMCN Hoa kỳ, Phòng TMCN Việt nam, các thương hiệu giày lớn trên thế giới như Nike, Adidas, WWW… và lãnh đạo cấp cao của trên 200 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày, nguyên phụ liệu tại Việt Nam.