Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (LEFASO) vừa có báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành 6 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong ngành trong nửa đầu năm nay có nhiều khả quan so với cùng kỳ năm 2016 với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,8 tỉ USD, tăng 11% (trong đó, xuất khẩu giày dép ước đạt 7,1 tỉ USD, tăng 12% và xuất khẩu túi – cặp ước đạt 1,7 tỉ USD, tăng 4%).
Tiếp tục xu hướng của năm 2016, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam, đón đầu lộ trình giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của khối FDI tiếp tục tăng, chiếm tỉ trọng 81,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; trong đó, chiếm tỉ trọng 81,2% đối với giày dép và 81,5% đối với túi xách.
Báo cáo cho biết Việt Nam đã xuất khẩu giày dép sang khoảng 100 nước trên thế giới, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 1.989 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại. Thị trường EU đứng thứ 2 khi đạt 1.760 triệu USD; kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng cộng, 5 thị trường trên chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Năm thị trường này cũng chiếm đến 87,2% tổng kim ngạch xuất khẩu vali, túi, cặp của Việt Nam.
Xuất khẩu của ngành da giày sang các thị trường Đông Á, châu Đại Dương và Bắc Mỹ cũng tiếp tục có sự tăng trưởng tốt. Thị trường Tây Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi… nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều khó khăn về phương thức thanh toán, chi phí vận tải, thiếu thông tin thị trường… Đây là những rào cản cần được tháo gỡ để DN có thể xúc tiến xuất khẩu.
Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, kinh tế thế giới năm 2017 sẽ tốt hơn năm 2016 và Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, chờ cơ hội EVFTA (FTA Việt Nam – EU) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Trên cơ sở đó, xuất khẩu da giày trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong cả năm 2017 dự kiến đạt 17,8 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2016.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO, cho biết ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường lớn trên thế giới, trong đó có thị trường EU nói chung và Ý nói riêng. Đặc biệt, việc tăng cường thương mại trong lĩnh vực da giày là rất cần thiết. Với sự tài trợ, hợp tác của Thương vụ Ý, Hiệp hội quốc gia, các nhà sản xuất thiết bị – công nghệ cho ngành da giày Ý (ASSOMAC) và các đối tác, Trung tâm Công nghệ giày Việt – Ý vừa được thành lập và đi vào hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy nghiên cứu phát triển sản phẩm da giày Việt Nam. Đây sẽ là nơi đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, ứng dụng máy móc hiện đại – công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng nguồn lực và năng lực thiết kế, sản xuất giày dép của Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngay sau khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ phối hợp Trường Cao đẳng Công Thương TP HCM tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến những xu hướng thiết kế và sản xuất hàng đầu trên thế giới cho đội ngũ quản lý sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm của DN da giày Việt Nam.
Theo Hiêp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam