Có thay đổi mới phát triển
Theo Bộ Công thương, các sản phẩm da giày của Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang các thị trường chính là châu Âu (EU), Bắc Mỹ, các nước châu Á, Nam Mỹ… chiếm khoảng 10% thị phần thế giới. Khi tham gia TPP, lợi thế lớn nhất đối với ngành da giày là được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0%, từ đó giúp các DN da giày có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, các DN xuất khẩu phải đáp ứng được các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa (các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ từ nội khối) khiến các DN da giày Việt Nam đối diện không ít khó khăn, thách thức khi nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Tổng Giám đốc Công ty giày Nam Bình, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương Nguyễn Quang Vũ cho rằng, tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN trong nước khi được tiếp cận thiết bị công nghệ hiện đại, trình độ quản lý; khả năng sáng tạo và thiết kế sản phẩm; xây dựng thị trường,… từ các nước có nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, TPP cũng đem lại nhiều thách thức. Muốn được hưởng lợi từ việc xóa bỏ thuế quan, chắc chắn trong những năm đầu các DN vừa và nhỏ trong nước sẽ gặp không ít khó khăn khi chưa đủ tầm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, DN phải chứng minh được các yếu tố đầu vào để kết thành sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam hoặc nội khối. Vì vậy, để tận dụng những cơ hội từ TPP, các DN phải chuyển đổi, cơ cấu lại DN cho phù hợp. Thậm chí, các DN có cùng ngành hàng cần phải liên kết hoặc gộp lại thành một DN lớn, có đủ lực về mọi mặt, khi đó mới có thể tham gia sân chơi TPP một cách sòng phẳng, công bằng. “Nói như vậy, không có nghĩa các DN không đủ điều kiện sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, bởi vì ngoài TPP vẫn còn rất nhiều đối tác khác có thể làm ăn. Thế nhưng, khi nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu bắt buộc đối với DN là phải thay đổi mình. Có thay đổi thì mới có thể phát triển ổn định và bền vững” – ông Vũ khẳng định.
Tỏ vẻ lạc quan hơn, Giám đốc Công ty giày Tuấn Việt Trần Văn Tắc khẳng định, các nước gia nhập TPP hầu hết đều phát triển, có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản,… chỉ còn vài nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, sẽ có nhiều DN nước ngoài đặt mua giày tại Việt Nam và đây là cơ hội để các DN giày da Việt Nam phát triển. Với các sản phẩm giày mùa hè, Công ty giày Tuấn Việt sử dụng gần 100% nguyên phụ liệu trong nước, như cao-su, vải, keo, do đó không ngại cạnh tranh với các nước khi vào TPP. Cũng theo ông Tắc, khó khăn nhất của ngành da giày là nguyên liệu sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, vì thời gian qua DN chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Hiện nay, đã có DN đầu tư sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho ngành da giày, nhưng còn ít, thiếu liên kết, không trường vốn,…
Chủ động nguồn nguyên phụ liệu
Da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 15 tỷ USD, đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều năm qua, các DN da giày của Việt Nam chỉ tham gia một vài khâu trong chuỗi giá trị của sản phẩm giày dép toàn cầu, nên rất ít DN chủ động xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu da giày. Theo đại diện của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, điểm yếu của ngành da giày Việt Nam hiện nay là thiếu hụt về vật tư chủ chốt như da, nhựa PVC, sơn PU, vải, vật tư phụ kiện; thiếu hụt kỹ thuật viên, kỹ sư công nghệ có tay nghề; thiếu hụt khả năng phát triển sản phẩm, ma-két-tinh khiến chất lượng sản phẩm không cao, không cạnh tranh được về giá cả… Chung quan điểm, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên giày Thượng Đình Nguyễn Thị Thục Oanh cho biết, thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty là EU (chiếm khoảng 80%), châu Á và một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ (chiếm khoảng 20%) nhưng tất cả hợp đồng xuất khẩu công ty mới chỉ dừng ở mức làm gia công, hưởng lợi nhuận thuần túy, bởi toàn bộ mẫu thiết kế cho đến nguyên phụ liệu đều do đối tác nước ngoài chỉ định cho nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Chính điều này khiến DN rất khó phát triển. Để tăng tính cạnh tranh, công ty đang đầu tư công nghệ hiện đại, chủ động trong nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, tiết giảm các khoản chi phí cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề người lao động,…
Tổng giám đốc Công ty giày Gia Định Nguyễn Chí Trung cho biết thêm, từ vài năm nay DN đã chủ động đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu. Sau khi đầu tư 20 ha chuyên sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất da giày ở An Phú (Thuận An, Bình Dương), công ty tiếp tục đầu tư thêm một cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, quy mô diện tích 50 ha tại Cụm công nghiệp Nam Tân Uyên (Bình Dương) nhằm mở rộng sản xuất công nghiệp hỗ trợ. “Với sự chuẩn bị dài hơi trong những năm vừa qua, khi bán hàng trong các nước TPP, Công ty giày Gia Định hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm giày lên hơn 80% và đủ sức cung cấp số lượng lớn nguyên phụ liệu cho các DN da giày trong ngành” – ông Trung nhấn mạnh.
Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích các DN đầu tư để đón đầu hội nhập TPP nói riêng và các hiệp định thương mại mới nói chung. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Do vậy, cần có các chính sách sát thực tế như cho DN được vay vốn trung, dài hạn, ưu đãi về lãi suất. Các thủ tục hành chính cần được đơn giản, nhanh chóng; có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các DN đầu tư, sản xuất các nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước… Có như vậy, mới có thể giúp DN tránh tình trạng làm gia công cho nước ngoài, với số lợi nhuận còm cõi như suốt trong thời gian dài vừa qua.
Theo mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 1.698 tỷ đôi giày dép, 311 triệu sản phẩm ba-lô, túi xách, 63 triệu tấn da cứng,… Trong đó sẽ thu hút khoảng hơn một triệu lao động, doanh thu xuất khẩu của ngành đạt 24,5 tỷ USD. Nguồn: Hiệp hội Da – Giày Việt Nam |