Mẹo chọn giày cao gót cho cô nàng tiệc tùng - Vật tư da giày Vân Hà

Với những cô nàng hay phải tham gia sự kiện, tiệc tùng, party thì việc chọn lựa một đôi giày cao gót thích hợp vô cùng quan trọng. Làm thế nào để cảm thấy thoải mái nhất có thể với món phụ kiện tuy vô cùng đẹp đẽ nhưng cũng gây ra không ít đau đớn, chật vật này?

1. Chọn giày một cách khôn ngoan

Khi chọn mua giày, không ít người thường chỉ chú trọng đến vẻ ngoài của đôi giày đó mà không quan tâm xem mình có cảm thấy dễ chịu khi mang chúng hay không. Đây là một thói quen vô cùng tai hại, đặc biệt là đối với việc chọn giày cao gót. NTK giày Paul Andrew, người từng được mệnh danh là “Bậc thầy của những đôi giày cao gót không gây đau đớn” đưa ra lời khuyên: “Khi bạn mua giày, tôi nhất thiết khuyên bạn nên chú ý tối đa tới việc bạn thấy thế nào khi đi đôi giày đó chứ không phải chỉ chăm chăm quan tâm đến ngoại hình của đôi giày. Đôi giày phù hợp là thứ mà khi đi lên chân bạn cảm thấy vững vàng và thăng bằng. Đôi giày quá chật, quá rộng hay có phần quai được bố trí không hợp lý gần như chắc chắn sẽ làm bạn hối hận nếu mua về”.

2. Cách chọn giày cao gót

Có ba yếu tố cơ bản bạn cần chú ý để chọn được một đôi giày cao gót đẹp thật thoải mái và ít gây đau chân nhất có thể. Thứ nhất, đôi giày đó cần có phần lót thật dày với thêm một miếng lót nhỏ ở giữa giúp nâng đỡ, tạo sự êm ái cho bàn chân. Thứ hai, phần gót giày càng to bản bao nhiêu sẽ càng dễ chịu bấy nhiêu, vì vậy đừng chọn đôi giày nào có phần gót quá mảnh. Thứ ba, đôi giày nên có chiều cao gót không quá 8 centimet. Một lưu ý nữa là hãy mua giày vào giữa ngày, tránh mua vào buổi sáng. Nguyên do là bởi trong ngày, bàn chân có xu hướng phình to ra một chút, vì vậy nhiều khả năng đôi giày bạn cảm thấy vừa khi thử buổi sáng sau đó sẽ trở nên chật chội.

3. Phụ kiện đi kèm không thể thiếu

Trong trường hợp bạn đã chọn giày cao gót theo tất cả những hướng dẫn ở trên nhưng vẫn cảm thấy đau nhức chân thì bạn có thể cần đến sự trợ giúp của những miếng dán lót giày. Những miếng dán này thường có dạng gel giúp đem lại cảm giác êm ái đồng thời cũng tạo ma sát giúp bàn chân đỡ bị trơn trượt về phía trước, từ đó làm giảm áp lực dồn xuống xương bàn chân.

Ngoài ra, khi đi giày cao gót, phần gót chân cũng rất dễ bị trày xước gây đau đớn và một khi đã bị như vậy, bạn khó có thể đi lại nhẹ nhàng, tự nhiên chứ đừng nói đến việc nhảy nhót cùng bạn bè trong các bữa tiệc. Vì vậy, ngay khi vừa mua giày, nếu cảm thấy phần đằng sau của giày quá cứng và dễ làm tổn thương gót chân, bạn hãy nhờ thợ sửa giày dán miếng da vào đó để ngăn chặn “thảm họa” trên. Trong trường hợp gấp gáp, bạn có thể cấp cứu tạm thời cho gót chân của mình bằng những miếng urgo.

Bên cạnh đó, trên thị trường cũng có bán những chai xịt giúp giảm nhanh cảm giác đau đớn. Nếu bạn không may cảm thấy đau chân giữa chừng thì chai xịt này có thể giúp bạn “cầm cự” thêm một, hai tiếng để tận hưởng nốt bữa tiệc.

4. Phục hồi cho bàn chân

Khi tiệc đã tàn cũng là lúc bạn cần lên kế hoạch chăm sóc để bù đắp cho đôi bàn chân ngọc ngà của mình. Lúc này, việc ngâm chân trong nước có pha muối ngâm chân chuyên dụng có thành phần bạc hà sẽ đem lại cảm giác vô cùng thoải mái, dễ chịu cho đôi bàn chân rã rời. Sau đó, đừng quên massage bàn chân thật nhẹ nhàng với một loại kem bôi chân chuyên dụng giúp nuôi dưỡng da chân mềm mại và phục hồi những thương tổn.

Tags: , , , , , , , , , ,

Bình luận