Với những cô nàng mê thời trang và đặc biệt là yêu thích những đôi giày thì việc có thêm một đôi giày mới trong tủ đồ là điều thật sự khiến các cô gái thích mê. Còn gì sung sướng và hãnh diện hơn khi diện một chiếc váy xinh xắn, xỏ chân vào đôi giày mới và tung tăng xuống phố, thu hút bao ánh nhìn. Nhưng… sẽ thật khó chịu khi những đôi giày mới luôn khiến bạn cảm thấy khó chịu bởi những vết xước gót chân hay mũi chân bị phồng rộp đau điếng. Phải làm sao bây giờ? Đừng lo, những bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn xua tan nỗi ám ảnh “rộp chân” này nhé.
1. Làm giãn giày
Để giúp đôi giày “bai” ra, thay vì bạn phải đi lại nhiều lần và chịu đựng sự hành hạ của những vết xước hay những vết phồng rộp, hãy xỏ chân vào đôi giày mới của bạn trong khi ngồi làm việc nhé. Mặc dù không mang lại hiệu quả nhanh chóng so với việc đi lại, nhưng nó cũng khiến đôi giày của bạn giãn ra chút xíu và quen chân hơn đấy. Cách này sẽ giúp hạn chế việc bị phồng rộp chân khi bạn diện chúng ra đường.
Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng cách nhét giấy báo để giày của bạn “bai” ra dễ dàng hơn. Hãy lấy thật nhiều giấy báo, nhúng qua nước cho ẩm sau đó nhồi vào lòng giày đến khi không thể nhét thêm được nữa rồi mang chúng ra phơi nơi khô thoáng. Chờ đến lúc báo khô thì mang vào và bỏ giấy ra nhé, đảm bảo giày của bạn đã giãn ra được đáng kể rồi đấy.
2. Sử dụng miếng lót gel
Nếu như không đủ thời gian và kiên nhẫn để làm đôi giày giãn ra như ý muốn thì bạn có thể sử dụng miếng lót gel để giảm bớt cảm giác đau khi di chuyển trên đôi giày mới. Miếng lót gel này bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng giày dép hay thậm chí là các hàng bán rong cũng có để bạn có thể lựa chọn. Với miếng lót này thì bạn sẽ chẳng bao giờ còn phải lo lắng về vấn đề phồng rộp chân hay gót chân bị trầy vì giày mới nữa nhé.
3. Làm mềm da giày
Một cách tốt hơn để hạn chế sự khó chịu khi đi những đôi giày mới. Đó là làm cách nào đó để đôi giày da của bạn được mềm hơn. Khi da mềm hơn, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi xỏ chân vào đôi giày và di chuyển khắp mọi nơi mà chẳng sợ đau nữa. Bạn có thể dùng rượu trắng hoặc cồn để xoa vào khắp lòng trong của đôi giày, và khi cồn hoặc rượu bốc hơi, đôi giày da của bạn sẽ mềm ra và bạn đã có thể sử dụng ngay được rồi. Nếu cảm thấy vẫn chưa ổn, hãy lặp lại động tác này liên tục trong khoảng 4-5 ngày đầu để tăng hiệu quả làm mềm giày nhé.
Tuy nhiên với các loại giày làm từ vải hay chất liệu giả da thì cồn hoặc rượu sẽ không ăn thua đâu. Thay thế bằng bia, bạn sẽ giúp đôi giày trở nên mềm mại và “dễ thở” hơn rất nhiều.
4. Dùng băng cá nhân để “cấp cứu”
Nhưng nếu đôi giày khiến bạn thích mê và muốn đi ngay lập tức thì phải làm sao? Hãy tận dụng những chiếc băng cá nhân để giải quyết trường hợp này nhé. Dán hai miếng băng gạc vào chỗ nào bạn cảm thấy khó chịu và dễ cọ xát như mũi chân, cạnh bàn chân hay gót chân để hạn chế tối đa tình trạng sát thương từ đôi giày nhé. Hãy cứ thỏa thích diện những đôi giày sành điệu mới toanh của bạn đi, phồng rộp hay trầy xước sẽ không còn là nỗi lo nữa rồi.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng gót chân bị phồng rộp do ma sát với gót giày, bạn cũng có thể thoa một chút sáp nền vào mặt trong gót giày để khi bạn xỏ chân vào sẽ không còn quá “chật vật” nữa.