Năm 2017, xuất khẩu giày dép và túi xách đạt con số khá lý tưởng – gần 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016. Mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2018 là 20 tỷ USD – đây là con số mà ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da – giày – túi xách Việt Nam (Lefaso) cho là không khó khăn với ngành.
Theo số liệu của Lefaso tại “Hội nghị tổng kết ngành da giày năm 2017”, hết năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 17,93 tỷ USD, tăng 10,7%, trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 14,67 tỷ USD, tăng 12,8%; túi cặp, vali các loại đạt 3,26 tỷ USD, tăng 2%.
4 thách thức hiện hữu
Năm qua, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng, chiếm 80,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; trong đó, FDI chiếm tỷ trọng 80,5% đối với giày dép và 81,1% đối với túi xách.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày, với 5,835 tỷ USD 11 tháng 2017, tiếp đến là EU với 4,949 tỷ USD. Nhật Bản đã không còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành da giày, mà thế vào vị trí đó là Trung Quốc, với kim ngạch đạt gần 1,2 tỷ USD.
Xuất khẩu sang Đức cũng đã cán mốc 1,046 tỷ USD, trong khi sang Nhật xấp xỉ 1 tỷ USD. Giày dép và túi xách Việt Nam đã có mặt trên 100 nước, trong đó, 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.
Mặc dù vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, trong giai đoạn tới, ngành da giày và túi xách vẫn phải đối diện với 4 thách thức lớn, đó là: phí nhân công cao, xu thế áp dụng tự động hóa, chính sách bảo hộ đang có xu hướng quay lại và sự cạnh tranh thị trường ngày càng mạnh.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giúp ổn định nhân công nhưng việc tự động hóa cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Qua khảo sát Lefaso, hiện nay 75% doanh nghiệp rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng tự động hoá, chỉ 25% bắt đầu ở quy mô nhỏ và dưới 5% có kế hoạch xây dựng.
Cùng với đó, chính sách bảo hộ: như Mỹ rút khỏi TPP, Brexit ở Anh cũng là vấn đề tác động lớn đến ngành da giày. Điển hình, năm 2017, tại thị trường Anh có những doanh nghiệp đã suy giảm đơn hàng đến 50%.
Ngoài ra, cạnh tranh từ các quốc gia khác có nguy cơ cao như Myanmar, Bangladesh khi chi phí nhân công thấp hơn và họ được hưởng lợi từ Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU giống Việt Nam.
Lợi thế cạnh tranh ở sản phẩm có giá trị cao
Tuy nhiên, vị Chủ tịch Lefaso lại tỏ ra lạc quan, bởi ông cho rằng, đầu năm 2017, với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xuất khẩu của ngành đã lo khó chạm đến 18 tỷ USD.
Song với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng và cán đích. Đáng mừng nữa là số lượng doanh nghiệp làm hàng có tỷ trọng chất xám cao ngày càng gia tăng với giá bình quân cao hơn nhiều hàng đại trà, chính điều này thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng.
Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới năm 2018 có xu hướng tích cực, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ tốt hơn năm 2017.
Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chờ cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018.
Mặt khác, trong nước, đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2017 để đón đầu các FTA có hiệu lực, nên xuất khẩu da giày của Việt Nam năm 2018 tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI.
Căn cứ xu hướng thị trường thế giới và tình hình tại Việt Nam, Lefaso dự báo, năm 2018 chỉ số sản xuất ngành da – giày tăng 5% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 19,5 – 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Xuất khẩu da giày khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đạt 55%. Xuất khẩu giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi-cặp đứng thứ 10 trong TOP 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Giải pháp Lefaso đưa ra là, để khắc phục chi phí nhân công cao nên dịch chuyển sản xuất về nơi có chi phí nhân công thấp, nhiều lao động là việc làm cần thiết. Phía Tây Nam cũng đang là khu vực tiềm năng cho doanh nghiệp da giày khi ở đây năng lực DN mới chỉ đạt 10%, trong khi dân số 18 triệu người.
Một giải pháp nữa theo ông Thuấn, doanh nghiệp nên sản xuất sản phẩm có giá trị trung bình và cao không nên sản xuất ở giá trị thấp. Giá trị xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện nay gấp 1,7% so với giá trung bình của thế giới là 8,84%. Như vậy, lợi thế cạnh tranh của chúng ta ở phân khúc này rất tốt nên duy trì hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao.