Tổng quan thị trường giày dép 2017 và dự báo năm 2018 - Vật tư da giày Vân Hà

Xuất khẩu giày dép 11 tháng đầu năm đã vượt kim ngạch của năm 2016, xuất sang tất cả các thị trường chủ lực đều tăng trưởng mạnh; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ.

Xuất khẩu giày dép 11 tháng đầu năm đã vượt kim ngạch của năm 2016, xuất sang tất cả các thị trường chủ lực đều tăng trưởng mạnh; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ.

Giày dép là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 4 về kim ngạch (sau nhóm hàng điện thoại, máy vi tính và hàng dệt may). Việt Nam nằm trong Top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil) và là nước xuất khẩu đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Italia).

Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới 45 thị trường trên thế giới. Đến nay, ngành da giày vẫn duy trì vị trí là ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn, quan trọng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho xã hội.

Xuất khẩu giày dép đã đạt 13 tỷ USD trong năm 2016, chiếm 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, tăng 8,3% so với năm 2015. Trong 11 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu đã vượt con số của năm 2016, với kim ngạch gần 13,19 tỷ USD, tăng trưởng trên 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đức, Bỉ, Nhật Bản và Anh là nhóm các thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại giày dép xuất khẩu của Việt Nam; trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm gần 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước, đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 14% với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 7,9%, đạt gần 1,04 tỷ USD, tăng 28%; xuất sang thị trường Đức chiếm 6,8%, đạt 895,34 triệu USD, tăng 33,6%; Bỉ đạt 816,89 triệu USD (chiếm 6,2%, tăng 9,8%); Nhật 673,07 triệu USD (tăng 10,5%, chiếm 5,1%); Anh 635,91 triệu USD (tăng 12,9%, chiếm 4,8%).

Thị phần giày dép xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường chủ lực

Các nước EU nói chung tiêu thụ tới 31,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, đạt 4,15 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi sự kiện Brexit bớt nóng, các nhà nhập khẩu Anh cũng đã có thời gian đánh giá tác động và quay lại đặt hàng giày dép của Việt Nam, điều này rất quan trọng bởi Anh là một trong những thị trường lớn của giày dép Việt trong khối EU. Giày dép xuất sang các nước Đông Nam Á rất ít, chỉ chiếm 1,8%, đạt 237,8 triệu USD, tăng 23,3%.

Xét về mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giày dép trong 11 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, thì thấy hầu hết các thị trường đều tăng trưởng dương; trong đó, các thị trường chủ đạo tăng khá từ 10 – 30% so với cùng kỳ; tuy nhiên, có một số thị trường tuy kim ngạch không lớn, nhưng so với cùng kỳ lại tăng rất mạnh như: Indonesia tăng 53,2%, đạt 39,51 triệu USD; Singapore tăng 43%, đạt 60,28 triệu USD; Ba Lan tăng 42%, đạt 27,75 triệu USD.

Dự báo năm 2018 ngành da giày tiếp tục tăng trưởng mạnh

Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam dự báo, cả năm 2017, sản xuất của ngành da giày sẽ tăng trưởng 5% so với năm 2016 và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD (tính cả giày dép và túi xách), tăng trên 10%. Theo mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu của ngành đến năm 2020 sẽ từ 24 – 26 tỷ USD, năm 2025 là 35 – 38 tỷ USD và năm 2035 đạt 50 – 60 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng từ 10 – 11%/năm.

Ngành da giày trong năm 2018 nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt hơn năm 2017 bởi có nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 – 4,2% khi XK vào EU tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%, đặc biệt là mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày XK vào EU sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da. Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%. Quy tắc xuất xứ áp dụng như GSP nên khá thuận lợi. Chắc chắn đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam sẽ rất nhiều.

Bên cạnh đó, Hiệp hội các Nhà sản xuất Mỹ đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan được kỳ vọng. Dự luật này sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có vài chục loại sản phẩm giày dép và dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia, hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội thu hút đơn hàng cho ngành da giày. Đặc biệt, khi các nhãn hàng lớn đến Việt Nam cũng kéo theo dòng luân chuyển của vốn và công nghệ. Sự biến đổi này vừa là cơ hội cũng là thách thức buộc doanh nghiệp trong nước phải có sự đầu tư tương ứng nhằm đủ khả năng tiếp nhận được đơn hàng lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng. Đồng thời cũng là một cơ hội tốt cho ngành da giày biến đổi cả về chất lượng.

Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp trong ngành đã lựa chọn những thị trường ngách có quy mô nhỏ, nhưng mức thu nhập của người dân tốt và ưa chuộng những sản phẩm đặc thù riêng như: Nhật Bản, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Dự báo đây cũng là xu hướng phát triển lâu dài của ngành da giày trong 15 – 20 năm nữa.

Tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày đã được cải thiện đáng kể, một số sản phẩm như giày vải, giày thể thao đã chủ động được đến 80 – 90% nguyên phụ liệu. Đây là điều kiện tốt cho doanh nghiệp trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan.

Tags: , , , , , , , , ,

Bình luận