Chơi giày ai chẳng biết chơi. Có điều, vừa đẹp lại vừa chi “tới bến” như Jillian, mấy người theo được?
Vậy Jillian, nàng ấy là ai?
– Chào Jill. Trước khi lần sâu vào những vấn đề lắt léo của cộng đồng “sát mặt đất” nói riêng, hay chủ nghĩa hypebeast nói chung, hãy giới thiệu bản thân cho độc giả Saostar nhé!
Ngồi lại với Jillian!
– Điểm đến gia tài ở thời điểm hiện tại, toàn những đôi “máu mặt” như Nike HyperAdapt 1.0, 2/5 siêu phẩm team Revealing của Nike x Off-White, “bò tót” Chicago, Nike Air Jordan 1 “Royal”, Yeezy Boost 350 V1 “Turtle Dove”… Jill có nghĩ mình là nữ sneakerhead thành công, tính cả thị trường Mỹ và Việt Nam chưa?
Tôi không dám nhận. Tôi đương nhiên không là nữ sneakerhead thành công và duy nhất tại Việt Nam, càng không phải trên đất Mỹ. Ở thế giới này, rất nhiều người yêu thích văn hoá giày như tôi, họ thậm chí bước trước tôi từ rất lâu. Tôi nghĩ mình chỉ có “sự cuồng”, may mắn được mọi người biết đến và dần dà công nhận “sự cuồng” đó thôi.
– Vậy vấn đề của một sneakerhead là gì?
Theo tôi, vấn đề của một sneakerhead là lượng thời gian, công sức họ bỏ ra khi có thể, cũng như tình cảm, đam mê mà mỗi cá nhân phải chịu đổi lâu dài. Như tôi, chỉ vì thích nên tôi bền bỉ dùng chiêu kiến tha lâu ắt đầy tổ, kiến thức của tôi vẫn còn rất hạn hẹp nên công bằng, tôi chỉ là “người cuồng chơi”, không phải sneakerhead.
– Jill xây dựng để chế riêng của mình bằng sự ủng hộ của ba mẹ, gia đình hay tự tay mà có? Ba mẹ có vui lòng khi biết Jill hết lòng vì sở thích sưu tập?
Với ba mẹ, đây là cách tôi giải trí dù mẹ chẳng khi nào quên câu phàn nàn quen thuộc. Cứ mỗi lần thấy tôi khệ nệ bê chúng về cửa, mẹ lại phát ngay “bài ca”: Mẹ mà thấy con mua thêm đôi nào nữa thì đừng trách mẹ!
Hiện tại, tôi tích cóp ngân sách từ việc cần mẫn tại khu dạy kèm trường học, khá ổn định để tôi nuôi tiếp đam mê. Trước đó, lúc ba mẹ chưa “thả cửa” làm thêm, tôi kiếm tiền bằng cách custom Nike Roshe One. Lần đầu đụng tay, tôi thử nghiệm trên chính đôi Nike Roshe One đang sử dụng để biết độ bền bỉ. Tôi thử đi thử lại cho đến khi hết lỗi lem luốc lặt vặt, không còn gì chỉnh sửa mới dám đưa đến cộng đồng. Cũng may sản phẩm của tôi được nhiều người thích thú, và tôi bắt đầu vòng quay bán giày – mua giày. Cũng từ ấy, tôi mới dám nhìn thật lâu những đôi tôi hằng ôm mộng, mở đầu việc sưu tập về sau.
Và đây, hai trong số “bức tranh” tôi tâm đắc nhất thời màu bút vẽ vời:
– Hiện tại Jill đã có bao nhiêu đôi? Có đôi nào khiến Jill tiếc vì chưa được sở hữu?
Trên dưới con số 50. Vì một số lý do giờ đây có đứa không còn nằm ngoan trong tủ của tôi nữa, nhưng tôi vẫn luôn gợi nhắc bằng tất cả tự hào. Tiếc thì tôi không, vì muốn là tôi mua bắng được. Như đôi Nike Air Jordan 1 x Off-White đang trên đường bay, tôi dành mấy ngày tự làm công tác tư tưởng, sau Nike Air Presto và Nike Air VaporMax yên vị sân nhà. Tính tôi lâu mau cũng chờ, chứ không cam chịu.
– Vài lời về 5 đôi giày Jill ưng nhất trong tủ?
Nike Flyknit Racer “University Red”
Nike Flyknit Racer là dòng giày bao năm nay tôi “hao tiền” không xiết vì độ êm thoáng và cách mà chúng ôm phom, lên chân rất đẹp. University Red lại pha trộn đúng màu đen, trắng, đỏ tôi thích thì chúng dĩ nhiên phải khiến tôi kể đến đầu tiên rồi.
Nike Classic Cortez “BETRUE”
Tôi ủng hộ cộng đồng LGBT, ủng hộ cuộc sống bạn bè tôi và tôi sở hữu Nike Classic Cortez “BETRUE” chỉ vì chúng dành cho họ. Thế thôi!
Nike Romaleos 3
Ngoài thời gian đắm đuối bên giày tôi còn dành khá nhiều nỗ lực phát triển tay nghề hội hoạ, chăm luyện thể thao nên mỗi khi bước đến phòng tập, tôi đều chọn cho mình giày đẹp, chuyên dụng và độc nhất. Nike Romaleos 3 là một trong những đôi squat tôi ưng ý vô cùng.
Supreme x Nike Air Force 1 High
Vì tính lịch sử, cũng như danh tiếng hai “ông trùm” mà phối màu Supreme x Nike Air Force 1 High “Red” khiến tôi muôn phần vất vả. Tuy size chân lệch hơn một nấc và giá resell không khỏi làm mệt nhưng chung quy, chúng vẫn đáng đồng tiền.
Air Jordan 1 Retro High OG “Royal” (2013)
Nếu lời lắng đọng cuối cùng chỉ riêng dành điều tuyệt vời nhất, tôi xin nhắc về Air Jordan 1 Retro High OG “Royal”. Tận đáy lòng, tôi yêu em hơn hẳn mọi phối màu từng xuất hiện trong bảng phân loại Air Jordan “vedette”. Thậm chí tôi xém bị gạt tiền đến hai lần vì không thể kiềm chế cơn nôn nóng, nhưng cuối cùng, tôi cũng được mãn nguyện nhìn em. Trên những dòng đam mê tôi viết, hành trình đưa đón Royal quả là tróc vảy trầy vi.
Những lần mang em đi camp, tôi đều được đàn anh trong giới khen nức nở. Bởi họ biết, cái giá mưu cầu một đôi Air Jordan 1 Retro “Royal” thật sự rất chua. Sự “chua” đó không chỉ lột tả qua số tiền bạn thắt lưng buộc bụng chi ra, nó còn là công sức, là quyết tâm, là câu chuyện dài với những thứ tủn mủn, không tên khác. Có “đầu giày” gọi hẳn tôi là Royal Girl, kể từ thời khắc chung hàng camp ba năm trước. Đến tận bây giờ, anh vẫn không thôi nhắc anh đã ấn tượng thế nào khi ngày đi bốc thăm, tôi mang em Royal huyền thoại.
– Sinh sống tại Mỹ – đất nước được xem là “cái nôi giày” của toàn thế giới, Jill thấy mình có lợi điểm nào và bất lợi điểm nào trong quá trình theo đuổi đam mê?
Bất lợi tôi không thấy nhiều, cơ hội có mất cũng nhanh kiếm lại. Lợi thế thì ở mọi cuộc chơi, dù mới dù cũ, chúng tôi luôn được tiếp cận sớm nhất so với cộng đồng.
Ngoài ra, ước mơ Sneaker Con trở nên dễ dàng hơn hết. Bao năm qua tôi tham gia đều đặn. Đặc biệt, đợt Sneaker Con tại Anaheim, California vừa rồi, tôi có cơ hội gặp gỡ, làm việc với hai “đầu giày” khét tiếng tại Mỹ. Họ đều là đồng hương, có tên Nick Nguyen và Mikah Tran.
Có thể nói, tôi chẳng thể ngừng hâm mộ các anh vì lượng kiến thức họ đạt được. Họ thuộc làu mọi thứ, từ tem giày, xưởng sản xuất đến số lượng phát hành, bán mỗi nơi bao nhiêu và check legit một cách thượng thừa. Được sống trong “nôi” này, tôi thấy mình may mắn.
– Được biết trong tủ giày của Jill không bên trọng bên khinh ai, vậy cá nhân Jill, Nike hay adidas mới xứng đáng là cái tên thống lĩnh thị trường?
Theo tôi, adidas cần nhiều hơn nếu muốn chắc trong tay cái danh thống lĩnh, vốn không dễ mà cuộc chiến địa vị, thời gian lại dồn ép nhiều. Tôi ghi nhận mọi nỗ lực vươn mình về công nghệ, cũng như mẫu mã mới của adidas trong vài năm trở lại, chỉ vậy chứ đừng nghĩ quá tham.
– Jill mua giày vì điều gì? Vì thích, vì đẹp hay đơn giản sở hữu để cảm nhận hết độ nổi tiếng của chúng?
Thiết kế đẹp và bắt mắt là yếu tố quyết định việc tôi có rút túi mua không, sau đó là lịch sử, độ hiếm. Còn chúng nổi cỡ nào tôi cũng để quan tâm, nghe cho biết chứ không dại theo thời. Giày là giày tôi mang, tôi muốn chúng phục vụ sở thích của tôi chứ biến thành gánh nặng làm gì? Bị “bơm tiếng” cao đồng nghĩa mức giá bay vút lên trời, bị ém hàng, gây khó dễ, mệt cả thể xác lẫn tâm tư. Đam mê không đủ sức bao biện cho sự mất tỉnh táo, không bao giờ!
– Jill thấy người Việt mình có tính chơi giày, chơi đồ hiệu bất chấp không?
Chính xác!
Tôi biết nhiều trường hợp người Việt tại Mỹ, hay ngay đất Việt Nam chẳng ngại ngần bỏ ra “bèo bèo” 40-50 triệu, hăng hơn thì cả trăm triệu chỉ để mua giày, phụ kiện mà không ca thán một lời. Sức oanh tạc của hypebeast dữ dội lắm, nên chuyện này cũng dễ hiểu thôi.
– Các “bóng hồng” như Jill thì sao? Jill có thân hoặc nói chuyện với bạn gái nào có sở thích giống Jill không?
Trúng tim đen rồi, tôi luôn mong điều đó (cười). Nếu duyên may gặp được bạn nữ người Việt, tôi càng vui hơn. Hiện giờ cộng sự của tôi quanh đi quẩn lại chỉ toàn nam.
Ở ngoài tôi có hai người bạn thân, đều là con gái. Khi tôi hăng say kể chuyện camp giày, săn deal đồ hype, mặt chúng nó cứ ngẩn ngơ, lắc đầu chẳng hiểu dù vẫn chịu khó nghe tôi liến thoắng luôn miệng. Tôi nghĩ cứ thế vui rồi, không tham gia nhưng đừng làm “trái tim bên lề”, đay nghiến sở thích người khác là được.
– Mỹ thì quá nhiều, Việt Nam lại không thiếu, tại sao Jill chọn cách đặt từng viên gạch để tạo dựng group riêng, mà không tham gia vào những cộng đồng đông dân sẵn?
Tôi hy vọng HYPE SPLY sẽ phát triển thật tốt tại quê nhà. Bởi lẽ group giới trẻ nào, cộng đồng nào mang xuất xứ Việt Nam tôi cũng ấn nút tham gia. Và lâu dần, tôi thấu hiểu sự lẩn quẩn của các bạn mỗi khi có “làn sóng” mới ập đến. Họ chới với giữa vòng xoáy giá cả, hoang mang nhìn chúng lên xuống một cách vô định, mà lòng ngàn lần không hiểu ra.
Thêm nữa, tôi muốn giúp “ma mới” – người từng bước lần mò trong cuộc chơi không còn cảnh ngộ nhận giá trị của cái gọi là siêu phẩm trên chân, hay chi quá tay cho mớ áo quần mang danh hot nhất thị trường từ miệng một ai đó rồi lan cả đám đông đến độ mù mờ nhưng quyền lợi, sự kiểm chứng cho chính họ thì không thể đòi hỏi.
– Một chút về dự tính tương lai, Jill có định phát triển group/sân chơi của mình lớn mạnh như đàn anh TKG hay mở rộng ra đời thực, ở Mỹ và cả Việt Nam không?
Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cố gắng nuôi lớn đứa con tinh thần HYPE SPLY. Tôi nghĩ không có lý do gì để mình thôi nỗ lực, chỉ khi không muốn bước tiếp. Tôi mong sân chơi của tôi và anh em “cùng hội cùng thuyền” lập ra, không riêng các tay chơi tại Mỹ mới có thể bước chân vào mà chúng tôi luôn rộng cửa, đón chào dân tình trên mọi miền thế giới.
– Jill ngưỡng mộ ai trong sân chơi đa diện đa sắc này? Người đó có gì đặc biệt khiến Jill quan tâm và hướng theo?
Là ai cũng được. Miễn họ hết lòng theo đuổi đam mê, đặt tâm biến chúng thành mục tiêu tốt để làm niềm vui sống cho mình, tôi đều ngưỡng mộ. Trong giới chơi giày, tôi không chủ quan đến mức đánh giá tăm tiếng, sức ảnh hưởng một người qua việc người đó sở hữu 10 đôi, 100 đôi hay 1000 đôi. Chỉ cần họ nhận thức vừa đủ về văn hoá chơi, hiểu rõ mình đang sưu tầm gì, cố gắng vì cái gì là tôi rất quý.
– Có gì khác biệt giữa các con số?
Như tôi, mỗi khi có ý tậu em nào về tôi cũng dành thời gian cân nhắc rất kỹ, về mọi mặt. Chúng đáng hay không, giá trị lâu dài không, liệu mang được mấy lần và lý do thích, nhiều khi cả tuần, cả tháng, nửa đêm trằn trọc cũng không thôi nghĩ ngợi. Giày tôi không phải tràn tủ hay dành cả phòng riêng mới chứa đủ, nhưng tôi biết mình nâng niu, trân quý từng đôi.
Hội “thần kinh giày” nghe qua là một nhưng ẩn trong đó là hàng ngàn góc cạnh khác nhau. Không phải ai cũng có điều kiện, có tiền bạc phủ phê. Người giàu họ thích, họ trưng cả trăm đôi. Người yêu cái đẹp, thấy mê mẩn là mua. Còn tôi biết những người, họ ôm mộng mơ, nhớ rõ từng đường may chỉ nổi trên phối màu họ ước ao sở hữu, dù gia tài họ đếm đi đếm lại chỉ vài đôi. Với tôi, hai khía cạnh sở hữu đó nghịch đối hoàn toàn. Quan trọng nhất vẫn là đam mê của mỗi người, số lượng chỉ tượng trưng qua con số, chẳng đủ tầm phản ánh điều gì cả.
– Nhiều kẻ ngoài cuộc, họ nói giày là cuộc chơi phù phiếm. Jill có nghĩ vậy không?
Không, tôi không chấp nhận ai áp đặt hai chữ phù phiếm lên cuộc chơi mà người trong cuộc bấy lâu đã hết sức nhiệt thành, hay ít nhất bản thân tôi là như thế! Không chỉ riêng chơi giày, bất kể họ chơi gì, sưu tập cái gì cũng đều đáng được tôn trọng.
Nói về cộng đồng ”sát mặt đất”, thật lòng tôi cảm thấy mãn nguyện với chỗ đứng hiện tại, hoà dòng cùng tất cả anh chị sneakerhead lừng danh. Dù bây giờ “mảnh đất” của tôi nhỏ xíu, chưa đáng kể là bao nhưng tôi khẳng định đam mê của các tay săn như tôi vài năm trở lại ít nhiều đã được công nhận. Tôi vui vì điều đó!
– Cảm ơn Jill về cuộc trò chuyện thú vị. Qua đây, độc giả không chỉ hiểu nhiều hơn cái tên Jillian V Nguyen – nữ sneakerhead nức tiếng xinh đẹp, bền bỉ từng ngày “thâu tóm” đam mê mà đâu đó, trong những lời trải lòng là ước mong một sân chơi lớn mạnh, hình thành từ những bước gập ghềnh tại dải đất quê hương.