Nhãn mác MADE IN có thực sự cần thiết? - Vật tư da giày Vân Hà

Chắc hẳn, không có “thượng đế” nào bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu cho mình một món đồ thời trang nam cao cấp mà chẳng hề quan tâm đến nhãn “Made in…”, bởi đó được coi như minh chứng cho nguồn gốc sản phẩm. Thế nhưng, trong thời đại kinh tế thị trường, một khi những thương hiệu thời trang nổi tiếng như Ý, Pháp có thể mở nhà máy gia công tại Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào trên toàn cầu thì nhãn mác “Made in…” có thực sự còn quan trọng?

Tuyên ngôn về chất lượng

Từ trước đến nay, việc ghi rõ xuất xứ sản phẩm được xem như tuyên ngôn, như biểu tượng khẳng định về chất lượng. Tuy nhiên, ngày nay, nhãn mác “Made in” còn là cách thể hiện cho các quy tắc, chi phí nhân công, tiêu chuẩn an toàn và dây chuyền sản xuất ra từng sản phẩm. Cũng chính bởi những lý do được ngầm hiểu trên mà khi thấy tên các quốc gia có truyền thống lâu đời về thời trang xa xỉ xuất hiện trên món hàng có thể khiến cho những fashionista nở nụ cười mãn nguyện.

Phần lớn khách hàng luôn muốn những món đồ mình mang phải có xuất xứ từ những kinh đô thời trang danh tiếng. Đó phải là những chiếc đồng hồ từ Thụy Sỹ, nước hoa và mỹ phẩm của Pháp, túi xách và giày phải mang nhãn “Made in Italy”, còn xe thì phải là xe có xuất xứ từ Đức. Không phải tự nhiên mà họ lại có những yêu cầu như vậy mà bởi vì họ tin vào danh tiếng, đẳng cấp, tay nghề của những người thợ thủ công bậc thầy tại những đất nước đó cũng như những sản phẩm có chất lượng hàng đầu.

Mỗi thương hiệu một lựa chọn

Thực tế cho thấy, không phải mọi thương hiệu thời trang hàng đầu đều đề rõ xuất xứ sản phẩm của mình mặc dù tất cả đều nhận ra lợi ích từ việc công bố cụ thể xuất xứ, tuy nhiên ngay cả các thương hiệu với lịch sử hình thành hàng trăm năm cũng ít tận dụng điều đó. Phần lớn các thương hiệu lại chọn cách tiết lộ một phần xuất xứ sản phẩm bởi điều đó còn phụ thuộc vào định vị thương hiệu và lịch sử hình thành của họ.

Để cụ thể hóa luận điểm trên, Exane BNP Paribas – một công ty lớn chuyên về đầu tư và nghiên cứu đã hợp tác nghiên cứu với Contact Lab trong việc tìm hiểu các thông tin “Made in…” công bố trên nhãn mác sản phẩm của những hãng thời trang danh tiếng. Kết quả cho thấy các thương hiệu này rơi vào nhóm chính.

Nhóm đầu tiên bao gồm các thương hiệu công bố cụ thể rõ ràng xuất xứ trên từng sản phẩm và tuyên bố hầu hết mọi sản phẩm của họ được sản xuất ngay tại những kinh đô thời trang lâu đời. Nhóm này bao gồm các thương hiệu cao cấp như Bottega Veneta, Balenciaga, Fendi và Tod’s, Brunello Cucinelli, Saint Laurent.

Nhóm thứ hai là nhóm những thương hiệu có thể hiện thông tin “Made in” trên từng sản phẩm của mình và tuyên bố một số sản phẩm cao cấp được sản xuất tại những kinh đô thời trang hàng đầu, một số dòng sản phẩm khác sẽ được sản xuất tại nước thứ ba có thế mạnh về tay nghề, chi phí… Ví dụ: Burberry công bố nhãn mác “Made in Italy” và “Made in the UK” đối với dòng Burberry Prorsum, trong khi đó, dòng sản phẩm có giá mềm hơn Brit là hàng “Imported” – nhập khẩu; Armani công bố “Made in Italy” đối với dòng sản phẩm Giorgio Armani còn ‘Imported’ cho Armani Jeans; thương hiệu Ralph Lauren dán nhãn “Made in Italy” cho Ralph Lauren Collection, còn Polo Ralph Lauren lại là “Imported”. Cũng tương tự như vậy, Giovanni dán nhãn “Made in Italy” cho một số dòng sản phẩm cao cấp được sản xuất tại Ý như giày nam, giày cao gót nữ, túi xách nữ, áo Blazer và dán mác “Made in..” tại một số nước thứ ba đối với một số dòng sản phẩm như dây lưng, ví nam, ví nữ…

Trong khi đó, một số thương hiệu khác lại chọn giải pháp công bố rất ít hoặc không công bố xuất xứ sản phẩm cho dù có cho biết một số sản phẩm được sản xuất tại chính nước gắn với lịch sử thương hiệu trong các mục hình cảnh, video hay FAQ. Trong nhóm này có những tên tuổi như Hermes, Louis Vuittion, Loro Piana, Salvatore Ferragamo, Ermenegildo Zegna.

Nhóm còn lại là những thương hiệu ít công bố hoặc không ghi thông tin “Made in…” trên từng sản phẩm nhưng cũng không có manh mối nào về việc sản phẩm được sản xuất trong nước. Cuộc khảo sát liệt kê ra Prada, Chanel, Dior, Dolce & Gabbana, Coach và Tory Burch, Hugo Boss… vào nhóm cuối này.

Nguyên nhân của sự khác biệt

Dường như ở khía cạnh này, những thương hiệu mang phong cách thời trang Italy dễ tận dụng được lợi thế hơn. Bởi, hầu hết việc sản xuất, đặc biệt là những dòng sản phẩm cao cấp đều được sản xuất trực tiếp tại Italy và nhập khẩu về Việt Nam. Nên nếu đôi giày bạn đang mang là hàng được sản xuất thủ công tại Ý thì cũng không có gì là khó hiểu khi nó có giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, dường như một số thương hiệu thời trang lại thấy rằng mình không cần sự bảo trợ từ chính nhãn mác “Made in” và Ermenegildo Zegna, Salvatore Ferragamo đều nằm trong nhóm này dù đây là những thương hiệu với phần lớn sản phẩm ra đời trên đất Ý. Có lẽ, việc họ bỏ qua giá trị chứng nhận từ nhãn “Made in” bởi họ tin rằng với sức cám dỗ của mình từ chất liệu, quá trình sản xuất cho tới tay nghề điêu luyện của người thợ thủ công cũng có thể chinh phục được mọi nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả nguyên nhân để những hãng thời trang cao cấp ít quan tâm đến vấn đề nhãn mác sản phẩm. Chắc chắn, Tory Burch hay Coach đều chẳng muốn để nhãn mác “Made in China” hay tên một nước đang phát triển nào là nguồn gốc sản phẩm của thương hiệu mình. Vì điều này ngay lập tức sẽ khiến thương hiệu trở nên ít hấp dẫn, nhất là trong mắt khách hàng tại các nước đang phát triển. Mặc dù vậy, cũng có những thương hiệu chọn sự minh bạch, Michael Kors hay Moncler đều công bố rất rõ ràng rằng phần lớn sản phẩm của mình được sản xuất tại nước ngoài.

Hãy trở thành những khách hàng khôn ngoan

Để có thể trở thành được những khách hàng khôn ngoan, điều bạn cần là cảm nhận được giá trị của thương hiệu và sản phẩm bằng nhiều cách như cảm nhận qua chất liệu, thiết kế, đường nét; không nên để mình trở nên võ đoán chỉ bởi một dòng nhãn mác “Made in…” ngắn ngủi. Khi mà công nghệ ngày càng hiện đại, một chiếc áo do nhãn hiệu châu Âu nào đó bày bán có thể hoàn toàn được trải qua quy trình sản xuất tại những thị trường có nguồn nhân công rẻ mạt và ít có sự kiểm soát về chất lượng. Chỉ cần có công đoạn hoàn tất và đóng gói tại những kinh đô thời trang như Pháp hay Italy thì chúng vẫn có nhãn “Made in Italy” hay “Made in France” như thường.

Trừ tiêu chuẩn “Swiss Made”, quy định về “Made in” không quá nghiêm ngặt

 

Theo quy định của Liên minh châu Âu, tiêu chuẩn để gắn nhãn mác xuất xứ cho sản phẩm không hề khó, chỉ cần một công đoạn sản xuất nào đó được thực hiện ở một quốc gia nhất định là có thể lấy nhãn mác “made in” tại đó. Ngoại trừ Thụy Sỹ – quốc gia thắt chặt nghiêm ngặt tiêu chuẩn “Swidd Made”.

Cũng chính vì lẽ đó, sự lựa chọn của người mua mới chính là tiêu chuẩn quan trọng đưa đến quyết định mua sắm những sản phẩm thời trang cao cấp. Chất lượng, đẳng cấp của một đôi giày hay một chiếc túi xách hàng hiệu nằm ở chất liệu, quy trình sản xuất, sự công phu, tỉ mỉ và nhiệt huyết của những người thợ thủ công lành nghề, câu chuyện đằng sau lịch sử thương hiệu… chứ không đơn giản là sự bảo chứng mơ hồ về xuất xứ.

Nguồn: Robbreportvietnam

Tags: , , , , , , , , ,

Bình luận