Theo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 2 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Kết quả khả quan này dự báo năm 2017 sẽ là một năm nhiều triển vọng với ngành da giày.
Thị trường Hoa Kỳ luôn dẫn đầu tiêu thụ
Theo số liệu của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành công nghiệp da giầy Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu đời và là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước. Từ chỗ chỉ sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, năm 1992, ngành da giầy bắt đầu xuất khẩu được 5 triệu USD, đến nay đã góp tới 10% vào GDP cả nước.
Theo Lefaso, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới về số lượng, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil và là nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới về giá trị, sau Trung Quốc. Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước và vùng lãnh thổ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại của các doanh nghiệp Việt Nam ước đạt 13 tỷ USD trong năm 2016, tăng gấp đôi so với năm 2011. Như vậy, trong 06 năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước đạt khoảng 57,5 tỷ USD.
Tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng giầy, dép da ước đạt 32,9 triệu đôi, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 2 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê của hải quan, trong nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng giày dép của Việt Nam. Xuất khẩu nhóm hàng này sang Mỹ luôn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép của cả nước.
Trong năm 2016, Mỹ là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng giày dép từ Việt Nam với kim ngạch khoảng 4,48 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với kim ngạch 904,9 triệu USD, tăng 20%.
Kế tiếp là thị trường các nước trong khối EU như Bỉ với khoảng 825 triệu USD (tăng 14%), Đức khoảng 764 triệu USD (tăng 8,4%). Các nước châu Á cũng có mức tăng trưởng cao, như: Nhật Bản đạt khoảng 675 triệu USD (tăng 12,9%), Hàn Quốc là 345 triệu USD.
Cũng theo cơ quan hải quan, mặt hàng giày dép luôn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Trong năm 2016, nhóm mặt hàng này đạt giá trị xuất khẩu cao thứ tư, sau nhóm mặt hàng diện thoại và linh kiện (đạt khoảng 34 tỷ USD), nhóm mặt hàng dệt may (đạt hơn 23,84 tỷ USD) và nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt gần 19 tỷ USD).
Doanh nghiệp FDI vươn lên, doanh nghiệp nội tụt lùi
Ngành da giày dự báo sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm nay
Cũng theo Lefaso, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 80,8% trong tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, chủ yếu là các tập đoàn đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, như: Tập đoàn Yuan Chi, Pou Chen Group, Feng Tay… với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hàng tỷ USD.
Mức đóng góp của khối doanh nghiệp FDI tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2013, khối doanh nghiệp này chiếm 75% tỷ trọng, năm 2015 tăng lên 78% và năm 2016 chiếm 80,8%. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI liên tục tăng cao là do các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do.
Trái ngược với sức tăng trưởng từ khối doanh nghiệp FDI, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm, năm 2013 chiếm 25% tỷ trọng, năm 2015 giảm còn 21,4%, năm 2016 còn 19,2%.
Về nguyên nhân, Lefaso cho rằng, do khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến doanh nghiệp trong nước chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, yếu sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, hạn chế lớn của Ngành là giày dép của Việt Nam phần lớn vẫn là gia công cho nước ngoài, yếu kém về khả năng thiết kế, hạn chế về tự chủ nguyên liệu.
Hàng năm, ngành da giày buộc phải nhập khẩu tới gần 60% nguyên phụ liệu mới đủ nhu cầu sản xuất, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là da thuộc. Theo thống kê của Lefaso, trong năm 2016, chỉ riêng nhập khẩu da thuộc, các doanh nghiệp da giày đã chi khoảng 1,24 tỷ USD, chưa kể còn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của Vật tư ngành giày Vân Hà!