Thặng dư thương mại trong ngành da giày trong năm nay dự kiến trên 50% khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa cung cấp nguyên phụ liệu trong mấy năm qua đều gia tăng đầu tư, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso Vietnam) nhận định.
Trao đổi với báo chí tại “Triển lãm quốc tế da và giày lần thứ 17” (Shoes & Leather Vietnam 2015) hôm 15-7 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài gòn (SECC),Q.7, TPHCM, ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết năm nay ngành da giày có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 14,5 tỉ đô la Mỹ mà Bộ Công Thương đề ra, tức tăng khoảng 20% so với năm 2014.
Năm nay có điều thú vị hơn là thặng dư thương mại của ngành sẽ đạt trên 50%, tức thặng dư thương mại trên 7 tỉ đô la Mỹ, ông Thuấn cho biết, và nói thêm rằng, giá trị thặng dư cao cho thấy ngành có tính chủ động về nguyên phụ liệu và giá trị gia tăng tăng cao.
Theo vị chủ tịch của Lefaso và cũng là tổng giám đốc của công ty giày Thái Bình (Thai Binh shoes), nguyên vật liệu chiếm khoảng 55% trong giá FOB sản phẩm giày, 45% còn lại là công sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó, khi sản xuất nguyên vật liệu trong nước đáp ứng được trên 50% nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu thì thặng dư thương mại tăng lên. Trong thời gian qua, tất cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đều tăng đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, ông Thuấn cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Việt Á Châu, hiện trong nước đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu da giày, nhưng quan trọng là có đạt tiêu chuẩn của đối tác hay không. Hiện có một số doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu da giày đã đầu tư và sử dụng công nghệ cao. Bản thân Việt Á Châu đã đầu tư nhiều cho hai nhà máy chuyên về PVC và PU giả da, cung cấp ra thị trường trên 1 triệu m2 sản phẩm mỗi tháng.
Ông Trần Gia Huấn, Giám đốc tiếp thị Đông Nam Á của Công ty TNHH Henkel Adhesive Technologies Việt Nam (công ty do Đức đầu tư), cho biết Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước tiêu thụ nhiều keo dán nhất trong ngành giày của Henkel tại thị trường Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, trong 3-4 năm nữa, Việt Nam được dự báo sẽ vượt qua Thái Lan về tiêu thụ keo dán của Henkel vì doanh số của Henkel tại Việt Nam luôn tăng trưởng nhanh – hơn 10% trong những năm qua.
Theo ông Huấn, hiện ở Việt Nam có khoảng 5 doanh nghiệp lớn cung cấp keo dán cho ngành giày, chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan và các công ty này gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường.
Mặc dù doanh nghiệp trong nước đã đáp ứng được phần nào nhu cầu nguyên vật liệu, tuy nhiên theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc công ty giày Liên Phát, nguyên vật liệu từ Trung Quốc hiện vẫn cạnh tranh hơn cả, đặc biệt về giá cả nhờ sản xuất với số lượng lớn, và đa dạng về chủng loại, màu sắc. Theo đó, trước khi có quy tắc về xuất xứ để tận dụng các hiệp định thương mại tự do như hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, hay Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, doanh nghiệp nhìn chung sẽ vẫn sử dụng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Theo Lefaso, sản xuất da thuộc trong nước (sản xuất mũ giày, lót giày, túi cặp) trong năm 2014 đạt 210 triệu m2, theo đó có thể đáp ứng được 24,4% nhu cầu về da thuộc trong năm 2015. Sản xuất giả da trong nước cũng đáp ứng được 4,2% nhu cầu, sản xuất vải dệt (sản xuất mũ giày, túi cặp, ba lô) đáp ứng 17,5%, vải không dệt (làm lót, đệm mũ giày, túi) hiện trong nước đáp ứng được 12,5%, carton (sản xuất đế trong) đáp ứng 16,7% nhu cầu. Trong số các nguyên vật liệu sản xuất trong nước, sản xuất đế giày các loại có tỷ lệ đáp ứng cao nhất – đáp ứng 58,7% nhu cầu.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu hàng giày dép đạt 4,69 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, kim ngạch và tốc độ tăng xuất khẩu hàng giày dép sang hai thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt là 1,63 tỉ đô la Mỹ (tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1,55 tỉ đô la Mỹ (tăng 16,2%). Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da, giày với kim ngạch 2,06 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
“Triển lãm quốc tế da và giày lần thứ 17” (Shoes & Leather Vietnam 2015) kết hợp với “Triển lãm quốc tế sản phẩm, thành phẩm da và giày” và “Triển lãm quốc tế trang thiết bị và phụ liệu ngành dệt may” do Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso Vietnam), công ty tổ chức triển lãm quốc tế Top Repute cùng công ty Hiển Đạt tổ chức từ ngày 15 đến 17-7-2015 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài gòn (SECC), tại Q.7, TPHCM. Trong năm nay, có hơn 300 nhà sản xuất, cung ứng trong nước và quốc tế đến từ 26 nước và vùng lãnh thổ tham gia triển lãm thường niên này. Diện tích trưng bày trong năm nay đạt 9.000m2, tăng thêm 60% so với năm ngoái. Bên cạnh các sản phẩm giày, doanh nghiệp tham gia cũng trưng bày máy móc thiết bị, và da, nguyên phụ liệu, hóa chất trong ngành da giày. |