Nếu chú ý, bạn sẽ thấy đế giày Converse có một lớp nỉ cao su sọc mờ, sần sùi. Nó để làm gì? Chống trơn trượt? Ồ không đâu.
Hôm nay chúng ta sẽ bàn đến một chi tiết trong thiết kế của Converse. Nếu đang mang một đôi, bạn hãy thử lật lên và kiểm tra đế giày xem. Bạn sẽ thấy đế giày có 2 phần thiết kế: hoa văn vuông góc cạnh, và kèm theo một lớp nỉ cao su (felt) sọc mờ bao quanh.
Phần hoa văn vuông góc cạnh nhằm mục đích tăng cường ma sát. Nhưng tại sao họ không làm đồng bộ, mà phải thêm một lớp nỉ sọc mờ kia? Phải chăng cũng để chống trơn trượt cho người đi?
Nếu như bất chợt hỏi câu này, ai cũng sẽ nghĩ đến tác dụng như vậy thôi. Tuy nhiên, sự thật thì lớp nỉ ấy… chẳng có tác dụng gì cho đôi giày cả. Mục đích duy nhất của nó có phần “xôi thịt” hơn, đó là vì TIỀN.
Đế giày Converse – ví dụ chân thực nhất cho việc “thiết kế để né thuế”
Converse là hãng của Mỹ, nhưng hầu như chẳng có đôi giày nào do Mỹ sản xuất cả. Họ tìm đến một nước thứ 3, kí kết hợp đồng sản xuất rồi nhập khẩu lại. Khi nhập khẩu, họ phải chịu thuế, và đây là khởi nguồn của mọi chuyện.
Trước tiên, theo như quy định của Mỹ, giày nhập khẩu sẽ phải chịu thuế rất cao, có thể lên tới 37,5%. Nhưng nếu là dép – slipper – thì khác, mức thuế giảm chỉ còn 3%.
Vấn đề ở đây là để được phân loại vào danh sách slipper, các đôi giày của Converse chỉ cần có một lớp nỉ bên dưới chiếm trên 50% đế giày là được. Với doanh số của Converse, mức thuế 3% rõ ràng đã giúp họ tiết kiệm được một con số khổng lồ.
Trang GazEtc là nơi đầu tiên “khai quật” được bí mật này vào năm 2010. Họ đã kiểm tra mã nhập khẩu loại đế giày với chất liệu của Converse (cụ thể là 6,430,844). Và họ tìm thấy một sản phẩm chẳng có một chút gì liên quan đến giày cả.
Đây đích thị là một đôi dép…
Nhưng cũng thật may mắn, vì đế giày lót nỉ của Converse chẳng gây cản trở gì cho trải nghiệm của người dùng. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp phàn nàn rằng sau một thời gian sử dụng, phần đế mờ bắt đầu có dấu hiệu bong tróc và đòi hỏi sửa chữa.