Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 6209/QĐ-BCT, tháng 4 vừa qua, Sở Công Thương, Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam và Hội Da Giày TP.HCM đã cùng ngồi lại để tiếp thu và ghi nhận các góp ý điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam tầm nhìn tới 2035.
Theo mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu của ngành đến năm 2020 sẽ từ 24 – 26 tỷ USD, năm 2025 là 35 – 38 tỷ USD và năm 2035 đạt 50 – 60 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng từ 10 – 11%/năm. Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam dự báo, năm 2017, sản xuất của ngành sẽ tăng trưởng 5%, cao hơn so với năm 2016, và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10%. Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Khôi – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày, sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp da giày trong 5 năm qua đã dẫn đến một số bất cập giữa quy hoạch và thực tiễn. Cụ thể, so với mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2010, đến nay, một số mục tiêu và chỉ tiêu đã và đang được thực hiện khá tốt. Đó là, quy hoạch ngành theo hướng mở với việc cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước, liên doanh, liên kết với mọi thành phần kinh tế đã tạo điều kiện cho các DN trong ngành phát triển mạnh. Công tác đầu tư đổi mới thiết bị đã được chú trọng, xây dựng được thêm các nhà máy mới với quy mô lớn, thiết bị, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành. Sản phẩm phong phú, chất lượng ngày càng được cải thiện, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu với số lượng ngày càng tăng. Hầu hết DN đã ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil), nhưng lại là nước xuất khẩu đứng thứ 3 trên thế giới về trị giá (sau Trung Quốc và Ý). Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước. Đến nay, ngành da giày vẫn duy trì vị trí là ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn, quan trọng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho xã hội. Tổng số lao động làm việc trong ngành là hơn 1,1 triệu người. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 16,2 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, tăng 8,8% so với năm 2015. Khối DN FDI chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, DN trong nước cũng ngày càng tự tin hơn ở thị trường xuất khẩu cũng như nội địa. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là hiện phương thức sản xuất của ngành vẫn chủ yếu là gia công. Theo phân tích của đơn vị thực hiện đề án Điều chỉnh quy hoạch chung của ngành, nguyên nhân là do DN gặp quá nhiều khó khăn khi chuyển sang tự sản xuất. Trong đó, phần lớn nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường xuất khẩu và ngay ở thị trường nội địa cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn hạn chế trong việc tự thiết kế mẫu mã sản phẩm, thâm nhập chiếm lĩnh thị trường. Tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 35 – 40%, thấp hơn mục tiêu đề ra là phải đạt từ 60 – 65%. Việc xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành, nhất là khu công nghiệp chuyên ngành thuộc da, chưa thực hiện được do khó khăn về vốn, địa điểm vì nhiều địa phương không chủ trương phát triển ngành da giày, nhất là ngành thuộc da. Ông Diệp Thành Kiệt – Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày- Túi xách Việt Nam cho biết, sẽ không thể có sự phát triển đồng bộ khi ngay trong nội bộ ngành chưa có được sự đồng thuận. Hiện nay, công tác quản trị DN là yếu tố quan trọng tác động tới năng suất lao động và khả năng cạnh tranh cạnh tranh. Để có thể nâng tầm lên tự sản xuất đòi hỏi các nhà máy cùng tham gia thiết kế sản phẩm để có năng suất cao hơn, đảm bảo thời gian sản xuất ngắn nhất, nhưng mới chỉ có DN FDI làm tốt việc này. Cũng theo ông Kiệt, nếu không tạo được chu trình sản xuất năng suất cao, DN da giày trong nước sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển mới. Sự thua thiệt thể hiện rõ khi công nghệ tự động hóa chưa được áp dụng. Ở khía cạnh này, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cũng có ý kiến là cần xem lại công nghiệp hỗ trợ để duy trì sản xuất của ngành da giày. Theo đó, về mặt cơ chế, chính sách phải cụ thể đối với từng bộ ngành, từng địa phương về giải pháp, chiến lược thực hiện cũng như trách nhiệm. Đại diện khối DN, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Vinh Thông cho rằng, Nhà nước có vai trò chủ đạo trong việc định hướng cho DN trong ngành. Do đó, khi công bố đề án, trước hết phải có tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm lưu hành trên thị trường, có định hướng rõ ràng để DN thực hiện.
Không những vậy, Nhà nước cần có chính sách tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn phục vụ cho mục tiêu đổi mới máy móc, thiết bị. Nếu không thể làm đại trà thì có thể khoanh vùng theo thứ tự để thực hiện. Thêm vào đó, vấn đề rất quan trọng và có tính chiến lược lâu dài là phải rèn luyện tính kỷ luật cho người lao động, hiện ý thức kỷ luật của người lao động còn thấp, vì thế khó tăng năng suất.